Loading
Một trong những cách tiếp cận lịch sử mềm mại, giàu hình ảnh, có thể chạm đến trái tim của mỗi người đó là qua những tác phẩm văn học. Nhà văn Nguyên Ngọc với cuốn hồi ký “Có một đường mòn trên biển Đông” đã đem đến cho người đọc một góc nhìn đầy tính nhân văn về đường Hồ Chí Minh trên biển – con đường huyền thoại một thời là tuyệt mật.
Với quan niệm “Chính những người vô danh, vô số, âm thầm, mãi mãi, không thể nào biết hết, nói hết, không sử sách chính thức nào ghi lại, nhắc đến…chính họ là cái nền tảng mênh mông vô tận, vô địch làm nên sức mạnh thần kỳ đưa đến thắng lợi vĩ đại của dân tộc”, tác giả đã đưa quá khứ trở lại trong cuộc sống ồn ã bon chen, góp thêm một câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam – một quốc gia nhỏ bé có thể chiến thắng những tên đế quốc thực dân sừng sỏ nhất thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện quân sự chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con đường huyền thoại. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã kết nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lực lượng, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Chiến tranh kết thúc, dấu tích của con đường huyền thoại cũng chìm sâu trong mặt biển mênh mông, câm lặng. Nhà văn Nguyên Ngọc với ngòi bút giàu tình cảm, đã kể lại cho người đọc hành trình đi tìm lại những con người từng góp công sức lớn lao xây dựng nên con đường mòn trên biển – những con người anh dũng, quả cảm, trí tuệ, tài năng mà chưa một lần được sử sách ghi danh hay có chăng chỉ là dòng chữ ngắn ngủi.
Giai đoạn mở đường với nhiệm vụ: phải đi khảo sát vùng bờ biển Bà Rịa, tìm nơi lập bến, cho người ra Bắc đón tàu dẫn súng đạn về. Có những con người, như đồng chí Dương Quang Đông – một người lính vô danh của một tiểu đội vô danh, đói khát, len lỏi tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Chính đồng chí là người đã đưa ra ý tưởng táo bạo – bố trí một bến đón bí mật từ cửa sông Ray – ngay sát căn cứ của địch. Ý tưởng này cùng những chuyến đi sinh tử sau đó đã góp phần khai thông con đường huyền thoại nhưng trong cuốn dự thảo Lịch sử lữ đoàn Hải quân 125, tên của đồng chí Dương Quang Đông chưa một lần được nhắc đến.
Câu chuyện về má Mười Rìu – một người phụ nữ kì lạ, với 10 đồng bạc mà dựng nên cơ nghiệp cho cách mạng. Má có thể mua một chiếc thuyền sáu tấn có máy đẩy Yama, một giàn lưới lớn, mấy tấn xăng dầu, hàng chục tấn gạo để phục vụ cho những cán bộ cách mạng trong những ngày mở đường gian khó…Không chỉ có 2 con người đó, hàng trăm, hàng ngàn con người ngày đêm âm thầm mà sôi nổi, ngày đêm mưu tính ngược xuôi để cuối cùng con đường mòn trên biển đã được khai thông với cả một mạng lưới các bến liên hoàn từ Bà Rịa đến Cà Mau.
Tiếp sau giai đoạn mở đường là giai đoạn mà con đường trên biển đi vào hoạt động chính thức trong sự bí mật tuyệt đối. Nhưng rồi với sự kiện Vũng Rô – chấm dứt giai đoạn hoàn toàn bí mật này để chuyến sang giai đoạn mới. Đoàn tàu vận chuyển hàng hoá phải hoạt động công khai trước sự kìm kẹp gắt gao của kẻ thù. Nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm ra những con người, những số phận âm thầm vô danh mà sự đóng góp của họ lại vô cùng vĩ đại. Cả đoàn thuỷ thủ hàng chục người sẵn sàng “quên sinh” để kẻ thù không thể lần tìm ra manh mối của những con tàu không số, những người phụ nữ hy sinh đời mình sống trong cô độc thậm chí miệt thị của người khác để giữ vững sự bí mật của danh tính những chiến sỹ đoàn tàu không số….Còn biết bao số phận khác cũng như vậy – đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.
Đó chính là nhân dân, cụ thể, âm thầm, vô danh, như mặt đất, như biển, khiến người đọc xúc động, tự hào về lịch sử bi tráng của dân tộc.
Những con người hiển hách, góp công sức lớn lao cho cách mạng như vậy, khi chiến tranh kết thúc họ lại trở về làm một người bình thường. Với những gì đã hy sinh có mấy ai dễ dàng chấp nhận sống một cuộc đời bình thường như thế . Má Mười Rìu – bà má huyền thoại quay trở về làm người đàn bà sống bên làng chài ven biển, bán vô số thứ vật dụng linh tinh, lộn xộn, không tên. Đồng chí Dương Quang Đông cũng vậy, trở về cuộc sống đời thường là một cụ già giản dị, chậm rãi mang đậm dáng dấp của người “công nhân Ba Son”… Họ là những con người chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc mà không mưu cầu bất kỳ danh lợi gì, không mong được đền ơn, không mong được trả lại…Lý lẽ của họ đơn giản chỉ là : “Rồi xương máu của anh em ai trả”. Có phải những con người với phẩm chất thật khó để tìm thấy trong cuộc sống hôm nay. Khi trong chúng ta vô số người kiêu ngạo, háo danh, tưởng mình là cái rốn của vũ trụ khi trong tay mới có chút thành tựu.
“Có một đường mòn trên biển Đông” không chỉ đem đến cho người đọc hình dung về lịch sử tuyến đường trên biển chi viện vũ khí lực lượng cho chiến trường Nam mà còn một lần nhắc nhớ chúng ta về gía trị cốt lõi trong đời sống con người. Sống một cuộc sống bình thường vốn đã là điều tốt đẹp. Bởi lẽ, cũng như nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: “Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng”.
Không dễ từng sống anh hùng trong chiến tranh rồi lại sống bình thường trong hoà bình đâu. Sự bình thường là một đức tính, chỉ có ở người thật trong sáng
Bình luận của bạn đọc:
Hãy để lại cảm nghĩ của bạn nhé!