Hãy tránh xa người nói với bạn về sự hy sinh

“Vĩ đại” “Tuyệt vời” “Kiệt tác” là những gì mà độc giả dành cho cuốn sách Suối nguồn của nhà văn Ayn Rand. Những giá trị cốt lõi của cuộc đời được tác gỉa chuyển tải đầy sinh động, lôi cuốn qua 1.2000 trang sách. Đây sẽ là cuốn sách làm người đọc bừng tỉnh, để kịp nhận ra mình đã sống, đã yêu và đang làm việc như thế nào.



Ayn Rand như muốn dồn nén cả cuộc đời con người vào cuốn tiểu thuyết Suối nguồn. Bà nói về một cuộc đời với tất cả những gì chúng ta sẽ phải trải qua và đối mặt. Đó là tình yêu, là tình bạn, là tri kỷ, là lý tưởng, lẽ sống, là quyền lực, là những mảng màu đen tối của xã hội và bản thân con người. Đó còn là những hệ tư tưởng của thời đại…Người đọc sẽ ít nhiều thấy mình trong đó, thấy cái mình đã trải qua, thấy điều mình sắp phải đối mặt, thấy cả những khao khát thầm kín qua từng trang viết của bà. Bà viết như thể rút hết mọi khoảnh khắc và kinh nghiệm sống trong cuộc đời mình để làm nên tiểu thuyết, cô đọng hết cả số phận của con người qua nghìn trang giấy. “Suối nguồn” có lẽ vì thế mà vĩ đại và lớn lao.


Đừng bao giờ hy sinh cuộc đời mình cho tình yêu


Tình yêu rồi rốt cuộc cũng chỉ còn là “Nếu Anh muốn nói yêu em thì trước tiên anh phải nói từ “Anh” trước đã”. Triết lý đó có làm ai đó vỡ ra điều gì? Có nhắc nhở ai đó một bài học về sự hạnh phúc. Thực sự là, chúng ta không thể cho đi cái mà mình không có. Để yêu một người trước tiên chúng ta phải yêu mình cái đã. Ayn Rand tạo nên một tình yêu mãnh liệt giữa Howard Roar và Dominique rồi cũng chỉ để chỉ cho chúng ta thấy chúng ta phải trân trọng bản thân mình, phải tạo ra hạnh phúc cho chính bản thân mình trước khi muốn mang lại hạnh phúc cho người khác. Thật vậy: “Loài người được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà phải là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những cái gì mà anh ta không tạo ra.”


“Loài người được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà phải là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những cái gì mà anh ta không tạo ra.”


 


Cuốn sách dày 1200 trang

Đôi khi cuộc đời mụ mị chúng ta bằng quá nhiều tính từ đẹp đẽ: sự hy sinh, sự cho đi, sống vì người khác. Trong số chúng ta, ai cũng từng là một kẻ mụ mị. Mụ mị khi nghĩ rằng  sẽ từ bỏ cái gì đó để đem lại hạnh phúc cho một người, ngu xuẩn khi nghĩ rằng  sẽ hy sinh cái phần sức sống nhất của mình để giữ gìn cái gọi là hạnh phúc. Từ hy sinh – một từ nghe như đức hạnh, nghe thật mĩ miều, thật khiến cho con người ta kính nể…Nhưng không, chúng ta phải sớm nhận ra một điều rằng, nếu ai đó nói với bạn về sự hy sinh – hãy tránh xa người đó. Hãy bỏ chạy thật nhanh, hãy giữ đầu óc mình tỉnh táo, để biết rằng: “ở đâu có sự hy sinh, ở đó có người nhận sự hy sinh. Người nói với chúng ta về sự hy sinh chính là người đang nói về đầy tớ và ông chủ. Và người đó muốn trở thành ông chủ – nhận những sự hy sinh như một lẽ thường tình, là một điều hiển nhiên”. Mà chúng ta – đặc biệt là phụ nữ chúng ta, thường chấp nhận hy sinh tuổi trẻ, ước mơ, cá tính, sở thích…cái đã làm nên chúng ta – cho một ai đó, một điều gì đó mà cả xã hội đang khăng khăng bảo vệ. Ví như khái niệm “một gia đình êm ấm”, chẳng hạn.


Quả thực chúng ta không tồn tại vì ai cả và chúng ta cũng không yêu cầu ai phải sống cho chúng ta, đem đến hạnh phúc cho chúng ta. Và Rayna đã nói thế này: “ Điều đức hạnh nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thỏa thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là – Buông nhau ra!”


Dám sống với những đam mê


Howard Roar – kẻ đã thức tỉnh khái niệm đam mê trong tôi. Chúng ta có vẻ dễ dàng cho rằng mình là một kẻ có ước mơ, có đam mê, có mục đích. Nhưng đã bao giờ chúng ta dám sống khổ sống sở vì đam mê như Roar chưa? Ba năm đầu đời khi bị đuổi ra khỏi cánh cổng của trường Đại học, anh sống lay lắt qua ngày, chịu đau đớn và tủi cực chỉ để được học nghề từ một tay kiến trúc sư bị cả xã hội cho – rằng – bất tài, vô dụng. Nhiều năm sau đó anh tiếp tục đói nghèo, cuộc sống của anh là những tờ hóa đơn không có khả năng thanh toán, là một khu ổ chuột cũng không còn chấp nhận để anh trú chân. Nói một cách thường tình là “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. 3 năm là bao nhiêu ngày, nhiều năm sau nữa là bao nhiêu ngày, liệu chúng ta có đủ sức để đương đầu với cuộc đời vì hai chữ “đam mê”.



Đối mặt với tất cả những thực tiễn khắc nghiệt đó của cuộc đời, đam mê chỉ đem lại cho chúng ta một điều duy nhất đó là cảm giác về sự hoan hỉ, sinh sôi, về niềm tin chiến thắng không gì ngăn cản nổi. “Đó là cảm giác khi thấy những nhánh cây đầu tiên, những chồi non đầu tiên nhú trên cành cây, màu xanh đầu tiên trên bầu trời”. Chỉ thế thôi, có vẻ đó là một cuộc chiến không cân sức. Nhưng người chiến thắng trong cuộc chiến đó là người sẽ không bị quật ngã bởi bất cứ điều gì trong đời.


Đam mê chỉ đem lại cho chúng ta một điều duy nhất đó là cảm giác về sự hoan hỉ, sinh sôi, về niềm tin chiến thắng không gì ngăn cản nổi.


Đọc Suối nguồn chúng ta được thấy cả những điều bẩn thỉu nhất trong một cá nhân con người, những điều hèn hạ và đốn mạt nhất trong một lối sống. Suối nguồn cũng cho chúng ta thấy quyền lực là một điều muôn đời hấp dẫn với con người và cũng muôn đời gây nên tội lỗi. Suối nguồn dựng lại cả những tư tưởng cơ bản trong thời đại của chúng ta… Mỗi người khi đọc cuốn tiểu thuyết vĩ đại này sẽ có những thấm thía và cả sự thức tỉnh riêng của mình.


 


 


 


 


Tủ sách hay

Bình luận của bạn đọc:

Hãy để lại cảm nghĩ của bạn nhé!

Email của bạn sẽ hoàn toàn bị ẩn.